Trên chặng đường khám phá về cafe toàn cầu, chúng ta sẽ đặt chân đến Châu Á - một điểm đến đầy hấp dẫn và phong phú trong thế giới của hạt cafe. Từ những đồn điền cafe rộng lớn trải dài trên cao nguyên cho đến những nông trại, nơi chứa đựng những bí mật về hương vị độc đáo, Châu Á là một lãnh thổ mà cafe không chỉ là một nghề trồng trọt, mà còn là một phần không thể thiếu trong văn hóa và lịch sử của mỗi quốc gia và dân tộc.
Trung Quốc - Phát triển thần tốc trong ngành công nghiệp cafe
Lịch sử của cafe tại Trung Quốc khởi đầu từ thế kỷ 17, khi loại đồ uống này được đưa vào quốc gia này thông qua những người đi biển từ nước ngoài và thương nhân Ả Rập. Tuy nhiên, trong khi cafe nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của văn hóa ẩm thực ở nhiều quốc gia khác thì ở Trung Quốc cafe vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Trong thế kỷ 19, cafe bắt đầu xuất hiện tại các thành phố lớn như Canton (hiện là Quảng Châu) và Thượng Hải, thường được sử dụng bởi cộng đồng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại đó và vẫn còn xa lạ với người bản xứ.
Sự phát triển của ngành cafe ở Trung Quốc thực sự bùng nổ vào thế kỷ 20. Trong những năm 1980, sau khi mở cửa với thế giới cafe bắt đầu trở nên phổ biến hơn, đặc biệt là trong giới trẻ và giới thượng lưu của các thành phố lớn. Cafe không chỉ là một loại đồ uống, mà còn là biểu tượng của sự hiện đại và phong cách sống thượng lưu.
Trong những năm gần đây, sự phát triển của ngành cafe ở Trung Quốc đã đánh dấu một bước tiến đáng kể, biến đất nước này trở thành một cường quốc cafe. Đặc biệt, các vùng núi cao như Vân Nam và Tứ Xuyên đã trở thành trung tâm của ngành cafe Trung Quốc, nơi có điều kiện địa lý và khí hậu tạo điều kiện thuận lợi cho việc trồng cây cafe. Vân Nam - một tỉnh miền nam của Trung Quốc, được coi là trái tim của ngành cafe của đất nước tỷ dân, khi 99% cafe ở Trung Quốc đến từ tỉnh này. Với diện tích hơn 46,000 hecta trồng cafe.
“Cafe của Vân Nam có hương vị rất thanh lịch, không bị chua và công đoạn chế biến sau thu hoạch tạo ra hương vị đặc biệt. Nó có cả hương vị của bơ và dâu tây - ông Srikanth Rao, chuyên gia hãng cafe Bayar ở Bangalore (Ấn Độ) nhận xét.
Các vùng trồng cafe ở Vân Nam thường nằm ở độ cao từ 1.000 đến 1.500 mét so với mực nước biển, tạo ra một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của cây cafe và sản xuất hạt cafe chất lượng cao.
Ngoài ra, Đảo Hải Nam ở phía nam của Trung Quốc, cũng góp phần vào sự thịnh vượng của ngành cafe nước này. Mặc dù diện tích trồng cafe không lớn bằng Vân Nam, nhưng Hải Nam vẫn là điểm sáng với những vườn cafe nằm dọc theo dãy núi trên đảo này.
Đồn điền trồng cafe tại tỉnh Vân Nam - Trung Quốc
Ấn Độ - Quốc gia cafe bóng râm
Vào thế kỷ 19, Ấn Độ trở thành một trong những quốc gia sản xuất cafe lớn thứ 06 trên thế giới. Dãy núi Western Ghats, được UNESCO công nhận là Di sản Thế Giới, hiện nay là vùng nguồn gốc cafe đặc biệt nhất. Dưới tán lá rậm rạp của rừng nguyên sinh kéo dài vô tận, cây cafe phát triển song song với một loạt thực vật và động vật đa dạng, đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng sinh học và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Ánh sáng yếu dưới bóng râm hạn chế hiện tượng ức chế quang hợp, làm tăng hiệu suất quang hợp của cây cafe so với cây phát triển dưới ánh nắng trực tiếp. Ước tính cho thấy rằng một hecta cafe trồng dưới bóng râm có thể hấp thụ và lưu trữ từ 70 đến 100 tấn carbon, tương đương với một khu rừng. Điều này góp phần giảm lượng carbon trong khí quyển và hỗ trợ giảm thiểu hiệu ứng nhà kính, một trong những yếu tố gây ra biến đổi khí hậu trên Trái Đất.
Ngoài ra, hầu hết các đồn điền cafe ở Ấn Độ nằm trong các vùng có lượng mưa từ trung bình đến lớn. Lớp lá mục từ cây cafe không chỉ giúp làm chậm dòng chảy và tăng độ thấm nước mưa vào lòng đất mà còn ngăn chặn hiện tượng xói mòn và rửa trôi chất dinh dưỡng trong đất.
Sự phát triển của ngành cafe ở Ấn Độ tiếp tục gia tăng trong thế kỷ 20 và đặc biệt là sau thời kỳ độc lập. Ngày nay, Ấn Độ là một trong những quốc gia hàng đầu về sản xuất và xuất khẩu cafe trên thế giới, với các vùng trồng cafe nổi tiếng như Chikmagalur, Wayanad và Coorg thu hút sự chú ý của các nhà làm cafe và người tiêu dùng trên toàn thế giới.
Chikmagalur, một thành phố nằm ở bang Karnataka của Ấn Độ, đã trở thành một trong những địa điểm hàng đầu cho việc trồng cafe. Vùng này nổi tiếng với những khu vực địa hình cao ráo và đất đỏ màu mỡ, tạo điều kiện lý tưởng cho việc trồng cây cafe Arabica chất lượng cao. Các trang trại cafe ở Chikmagalur thường nằm ở các vùng núi cao, với độ cao từ 700 đến 1600 mét so với mực nước biển. Khí hậu mát mẻ và mưa phù hợp của khu vực cũng là yếu tố quan trọng giúp cây cafe phát triển khỏe mạnh và cho ra hạt cafe chất lượng. Đặc biệt, cafe Arabica ở Chikmagalur thường được chăm sóc kỹ lưỡng và thu hoạch bằng tay, giúp bảo tồn hương vị tinh tế và độ đặc biệt của loại cafe này.
Coorg, còn được biết đến với tên gọi Kodagu, là một vùng nằm ở bang Karnataka và được xem là một trong những trung tâm sản xuất cafe lớn nhất ở Ấn Độ. Với các trang trại cafe và vườn cafe tuyệt đẹp.
Ấn Độ có mức xuất khẩu cafe lớn và nằm trong top 10 Thế Giới
Lời kết
Với sự phát triển của ngành cafe ở cả Trung Quốc và Ấn Độ, hai quốc gia này đều đang chứng kiến sự đổi mới và tiềm năng trong ngành cafe của mình.
Đối với Trung Quốc, với sự tăng trưởng nhanh chóng của ngành cafe, cơ hội đầu tư và phát triển ngày càng mở rộng. Việc tận dụng các vùng núi cao như Vân Nam để trồng cafe chất lượng cao là một trong những điểm nổi bật. Tuy nhiên, cần có sự cân nhắc cẩn thận về bảo vệ môi trường và đảm bảo phát triển bền vững của ngành này.
Ở Ấn Độ, với việc sử dụng các kỹ thuật trồng cafe dưới bóng râm để giảm thiểu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, ngành công nghiệp cafe đang dần trở nên bền vững hơn. Ngoài ra, việc tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn sản xuất cũng là một phần quan trọng của sự phát triển.
Nguồn ảnh Internet
Bài viết có sự tham khảo từ nhiều nguồn trang trên Internet
Thân mến,
Đội ngũ THAIYEN CAFE